Từ năm 2016, tỷ lệ đóng BHXH (26%) không thay đổi nhưng nền tiền lương làm cơ sở đóng BHXH có sự thay đổi. Với sự thay đổi này, những doanh nghiệp đã đóng BHXH cho người lao động ở mức cao sẽ không bị tác động lớn. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp bấy lâu nay “chẻ” thu nhập thực tế, chỉ đóng BHXH cho người lao động dựa trên một phần thu nhập sẽ bị tác động nhiều.
Nhiều doanh nghiệp đã đóng BHXH ở mức cao
Tình trạng phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp cố tình “chẻ” thu nhập thực tế của người lao động thành nhiều khoản và chọn mức lương để đóng BHXH chỉ bằng 50% - 60% tổng thu nhập. Gần một nửa tổng thu nhập của người lao động bị doanh nghiệp “ỉm” đi (dưới dạng phụ cấp và các khoản bổ sung khác), không đóng BHXH. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đã tiên phong, gương mẫu trong việc đóng đầy đủ BHXH và chọn đóng ở mức cao cho người lao động.
Một điển hình đóng BHXH ở mức cao là Công ty TNHH Nestle Việt Nam (quận 1). 559 người lao động ở công ty này có mức lương bình quân đóng BHXH hơn 18,9 triệu đồng/tháng/người. Tương tự, 538 người lao động ở Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam (quận 1) cũng được đóng BHXH ở mức trung bình hơn 17,6 triệu đồng/ tháng/người. Cùng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhiều doanh nghiệp trong nước cũng chọn mức tiền lương để đóng BHXH lên tới hàng chục triệu đồng, thể hiện trách nhiệm chăm lo cho nguồn lực quan trọng nhất và giúp người lao động yên tâm. 530 người lao động ở Công ty TNHH KMS Technology Việt Nam (quận Phú Nhuận) có lương bình quân đóng BHXH ở mức hơn 17,5 triệu đồng/tháng/người. KMS không “chẻ” ra phụ cấp hay các khoản khác, mà chỉ có một mức lương thực tế duy nhất trả cho nhân viên hàng tháng theo hợp đồng lao động và đóng BHXH dựa trên mức lương này.
Cũng bởi đã đóng BHXH dựa trên lương thực tế, tức là đã bao gồm hầu hết tất cả các loại phụ cấp và phúc lợi, nên sự thay đổi “đầu vào” đóng BHXH theo quy định mới từ năm 2016 sẽ không tác động gì đến KMS. Cũng như KMS, sự tác động của thay đổi nền tiền lương làm cơ sở đóng BHXH sẽ là không nhiều đến các công ty đã chấp hành tốt pháp luật BHXH. Trong khối hành chính sự nghiệp, cơ quan nhà nước, theo Bộ LĐ-TB&XH, cách thu BHXH mới cũng không ảnh hưởng nhiều bởi phần lớn người lao động đã được đóng BHXH trên gần hết tổng thu nhập.
Nhiều doanh nghiệp than khó
Ở những doanh nghiệp lâu nay chỉ đóng BHXH trên nền lương tối thiểu sẽ có thay đổi lớn về chi phí. Một chủ công ty may mặc ở quận Tân Bình cho biết, trong thời gian luật chưa bắt buộc cộng các khoản bổ sung khác vào lương thì công ty sẽ chuyển phụ cấp sang các khoản khác để… giảm chi phí.
Về phía người lao động, nhiều người cũng lo ngại các công ty sẽ tìm cách lách luật, không đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chị Hoàng Thanh Phương (nhân viên một công ty truyền thông, quận 1, TPHCM), cho biết lương hàng tháng thực lãnh của chị là 12 triệu đồng nhưng công ty chỉ trích đóng BHXH cho chị gần 390.000 đồng. Chị có thắc mắc với kế toán thì được giải thích chỉ đóng BHXH trên mức lương cơ bản, các khoản khác là thu nhập tính thêm. “Ở công ty, nhân viên nào cũng chỉ được đóng BHXH với mức đó. Giờ nếu luật quy định đóng BHXH phải tính thêm phụ cấp thì chắc công ty cũng tìm cách lách số tiền chênh lệch, hoặc cho thôi việc nhân viên ở một số vị trí, chứ đóng nhiều vậy công ty kham không nổi”, chị Thanh Phương cho biết.
Người lao động còn lo lắng thu nhập thực tế sẽ giảm khi thay đổi nền lương đóng BHXH. Sau khi được công ty phổ biến về quy định đóng BHXH mới, anh Hoàng Anh Tiến (công nhân một công ty da giày, quận Bình Tân), lo lắng số tiền hàng tháng của vợ chồng anh sẽ bị thâm hụt. “Nếu đóng theo mức mới, hàng tháng vợ chồng tôi phải mất thêm gần 600.000 đồng. Trong khi thu nhập hiện tại chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống gia đình. Cũng chưa biết công ty sẽ tính thế nào trong thời gian tới”, anh Hoàng Anh Tiến bày tỏ.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM: Đấu tranh để bảo vệ quyền lợi
Nguyên tắc đầu tiên của Luật Bảo hiểm xã hội là “Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH”. Như vậy, khi người lao động đóng BHXH ở mức lương cao thì các chế độ: ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, hưu trí… sẽ cao. Đặc biệt, sẽ giải quyết được bài toán lương hưu không đủ sống hiện nay và đó là lợi ích lâu dài.
Vì sự thay đổi này, số tiền đóng BHXH của người lao động sẽ tăng, đồng nghĩa thu nhập thực tế sẽ giảm đi đôi chút. Tuy nhiên, sự tác động với người lao động là không nhiều bằng doanh nghiệp, bởi người lao động chỉ phải đóng 8%, còn doanh nghiệp phải đóng 18%. Ví dụ, một người lao động có tổng thu nhập 8 triệu đồng/tháng, trước đây chỉ được đóng BHXH trên mức lương “cứng” 3,5 triệu đồng; còn phụ cấp 2 triệu đồng và các khoản bổ sung khác 2,5 triệu đồng không được đóng BHXH. Từ 2016, thay vì mỗi tháng người lao động phải đóng BHXH là 280.000 đồng (8% x 3.500.000) như trước, thì người lao động sẽ phải đóng 440.000 đồng (8% x 5.500.000). Chênh lệch của người lao động phải đóng thêm là 160.000 đồng trong khi doanh nghiệp cần đóng thêm 360.000 đồng. Tất nhiên, khi hưởng trợ cấp BHXH thì người lao động được tính trên mức 5,5 triệu đồng, sẽ có lợi hơn rất nhiều.
Nhiều người lao động lo ngại, tăng “đầu vào” đóng BHXH, doanh nghiệp sẽ “bóp” các khoản “mềm”, hạn chế các khoản phụ cấp để đảm bảo chi phí sản xuất. Khó khăn vì thế người lao động sẽ lãnh. Tôi chia sẻ rằng, nếu làm như thế thì doanh nghiệp phải điều chỉnh hợp đồng lao động. Vậy, nếu người lao động thấy không có lợi thì không nên ký. Người lao động cần mạnh dạn đấu tranh với chủ doanh nghiệp đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, hoặc có thể thông qua tổ chức công đoàn, các hội nghị người lao động tại doanh nghiệp để yêu cầu thực hiện đúng quy định về pháp luật lao động và BHXH.
Để quản lý chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đòi hỏi phải thực hiện thanh kiểm tra, kiểm soát đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ như nếu phụ cấp không ghi vào hợp đồng lao động thì cơ quan Thuế không chấp nhận cho vào chi phí… Chúng tôi sẽ thường xuyên thanh kiểm tra, đối chiếu thu tại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định sẽ lập biên bản yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật, trường hợp quá thẩm quyền sẽ chuyển sang các cơ quan chức năng xử lý.
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, Sở LĐ-TB&XH TPHCM: Không dễ “lách” luật
Một số doanh nghiệp muốn “lách” luật? Không đơn giản vậy. Các thông tư hướng dẫn đã định nghĩa rõ mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp không được tự ý điều chỉnh, cắt giảm các khoản phụ cấp đã thỏa thuận, thực hiện cho người lao động trước đây đã áp dụng.
Theo quy định, doanh nghiệp phải thỏa thuận, ghi nhận đầy đủ tiền lương trả cho người lao động trong hợp đồng lao động, gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Do vậy, nếu doanh nghiệp tự ý thay đổi cơ cấu tiền lương hay xác định các mức phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác không đúng tính chất, mục đích chi trả của các khoản tiền này hoặc không ghi cụ thể trong hợp đồng lao động là thực hiện không đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ gặp các khó khăn khi quyết toán tiền lương với cơ quan thuế do không kê khai hoặc kê khai, ghi nhận chưa đầy đủ trong hợp đồng lao động hoặc xác định không đúng các khoản tiền lương trả cho người lao động.
Theo sggp.org.vn
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM: Đấu tranh để bảo vệ quyền lợi
Nguyên tắc đầu tiên của Luật Bảo hiểm xã hội là “Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH”. Như vậy, khi người lao động đóng BHXH ở mức lương cao thì các chế độ: ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, hưu trí… sẽ cao. Đặc biệt, sẽ giải quyết được bài toán lương hưu không đủ sống hiện nay và đó là lợi ích lâu dài.
Vì sự thay đổi này, số tiền đóng BHXH của người lao động sẽ tăng, đồng nghĩa thu nhập thực tế sẽ giảm đi đôi chút. Tuy nhiên, sự tác động với người lao động là không nhiều bằng doanh nghiệp, bởi người lao động chỉ phải đóng 8%, còn doanh nghiệp phải đóng 18%. Ví dụ, một người lao động có tổng thu nhập 8 triệu đồng/tháng, trước đây chỉ được đóng BHXH trên mức lương “cứng” 3,5 triệu đồng; còn phụ cấp 2 triệu đồng và các khoản bổ sung khác 2,5 triệu đồng không được đóng BHXH. Từ 2016, thay vì mỗi tháng người lao động phải đóng BHXH là 280.000 đồng (8% x 3.500.000) như trước, thì người lao động sẽ phải đóng 440.000 đồng (8% x 5.500.000). Chênh lệch của người lao động phải đóng thêm là 160.000 đồng trong khi doanh nghiệp cần đóng thêm 360.000 đồng. Tất nhiên, khi hưởng trợ cấp BHXH thì người lao động được tính trên mức 5,5 triệu đồng, sẽ có lợi hơn rất nhiều.
Nhiều người lao động lo ngại, tăng “đầu vào” đóng BHXH, doanh nghiệp sẽ “bóp” các khoản “mềm”, hạn chế các khoản phụ cấp để đảm bảo chi phí sản xuất. Khó khăn vì thế người lao động sẽ lãnh. Tôi chia sẻ rằng, nếu làm như thế thì doanh nghiệp phải điều chỉnh hợp đồng lao động. Vậy, nếu người lao động thấy không có lợi thì không nên ký. Người lao động cần mạnh dạn đấu tranh với chủ doanh nghiệp đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, hoặc có thể thông qua tổ chức công đoàn, các hội nghị người lao động tại doanh nghiệp để yêu cầu thực hiện đúng quy định về pháp luật lao động và BHXH.
Để quản lý chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đòi hỏi phải thực hiện thanh kiểm tra, kiểm soát đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ như nếu phụ cấp không ghi vào hợp đồng lao động thì cơ quan Thuế không chấp nhận cho vào chi phí… Chúng tôi sẽ thường xuyên thanh kiểm tra, đối chiếu thu tại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định sẽ lập biên bản yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật, trường hợp quá thẩm quyền sẽ chuyển sang các cơ quan chức năng xử lý.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét