Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Hoàn thiện Báo cáo về tình hình nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Sáng 24/12, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh chủ trì Hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình nợ và đề xuất xử lý nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tham dự hội thảo có đại diện Văn Phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế; cùng đại diện lãnh đạo các Ban nghiệp vụ liên quan của BHXH Việt Nam.
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, luôn coi nhiệm vụ thu đúng, thu kịp thời và giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu của Ngành. Theo đó, chỉ đạo các đơn vị trong Ngành thực hiện nhiều giải pháp trong thực hiện công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp như: phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn thanh tra, kiểm tra các đơn vị cố tình né tránh việc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ; khởi kiện ra tòa án các đơn vị nợ BHXH, BHYT, nêu tên các đơn vị nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng, và đề nghị không tôn vinh, khen thưởng các đơn vị này; thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để nhằm tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Do đó, công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch Chính phủ giao.
Tuy nhiên tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn diễn ra phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích an sinh của NLĐ. Tính đến hết 30/09/2015, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 11.278 tỷ đồng, bằng 6,03% kế hoạch thu (nợ BHXH là 8.001 tỷ đồng, nợ BH thất nghiệp là 539 tỷ đồng; nợ BHYT là 2.738 tỷ đồng).
Trong đó, có 8.578 tỷ đồng tiền nợ của khối DN mà cụ thể: có 98.925 DN đang hoạt động với 2.963 nghìn lao động, có số nợ là 7.168 tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng số nợ của các DN nợ; 12.045 DN không giao dịch với cơ quan BHXH với 16,9 nghìn lao động, có số nợ là 870 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng số tiền nợ của các DN nợ; 2.649 DN bị phá sản, giải thể, rút giấy phép kinh doanh với 5,8 nghìn lao động, có số nợ là 131 tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng số tiền nợ của các DN nợ; 736 DN trong nước không còn hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa điểm đăng ký, không giao dịch với cơ quan BHXH với 4,9 nghìn lao động, có số nợ là 76 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng số tiền nợ của các DN nợ; 217 DN chủ nước ngoài bỏ trốn với 6,8 nghìn lao động, có số nợ là 72 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng số tiền nợ của các DN nợ…
Trước thực trạng nợ đọng ngày một phổ biến và gia tăng trên diện rộng, ảnh hưởng tới quyền lợi an sinh thiết thân của hàng ngàn lao động nói riêng, cũng như tình hình trật tự an toàn xã hội nói chung, tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đề ra một số giải pháp nhằm giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và thống nhất đề xuất các giải pháp hữu hiệu, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết chế độ chính sách đối với NLĐ tại các DN mà chủ DN bỏ trốn, các DN bị giải thể, phá sản, đơn vị dừng hoạt động do bị rút giấy phép kinh doanh không còn khả năng trả nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; các DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định cho NLĐ bị mất việc làm.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự; đồng thời, yêu cầu, Ban Thu tiếp thu các ý kiến góp ý của các Bộ, Ngành hoàn thiện lại dự thảo báo cáo trên tinh thần: những đề xuất mới cần phải xét tới các căn cứ pháp lý cụ thể, khả thi; sau đó xin ý kiến các Bộ, Ngành liên quan; hoàn thiện, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết về hướng giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nêu trên, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh thiết thân cho NLĐ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét